Lịch sử bóng đá Việt Nam được hình thành khi theo chân người Pháp đến VN từ những năm cuối thế kỷ 19. Những người đầu tiên chơi bóng là các binh lính, công chức và thương gia người Pháp. Sau đó, người Việt, từ một số ít có điều kiện tham gia chơi với người Âu lúc ban đầu, dần dần môn thể thao đồng đội giản dị mà hấp dẫn này trở thành phong trào phổ biến đối với người Việt.
Để có cái nhìn tổng quan về lịch sử bóng đá Việt Nam, có thể điểm lại những diễn biến qua 3 giai đoạn lịch sử: từ sơ khai đến 1954, từ 1954 đến 1975 và từ 1975 đến nay.
-Giai đoạn lịch sử bóng đá Việt Nam Từ sơ khai đến 1954:
Bóng đá Nam Kỳ:
Từ năm 1906, người Pháp bắt đầu sang Việt Nam vừa phổ biến “luật bóng đá” vừa tổ chức lại câu lạc bộ đầu tiên đã ra đời trước đó là Cercle Sportif Saigonnais” theo mô hình tại “chính quốc”. Nhiều CLB khác tiếp tục ra đời: như Infanterie, Saigon Sport, Athletic Club, Stade Militaire, Tabert Club,…Các giải đấu bóng đá cũng bắt đầu được tổ chức khá thường xuyên từ đó.
Về phía người Việt, từ năm 1907, sau khi học hỏi, nắm bắt được luật và kỹ thuật chơi bóng cũng như cách tổ chức từ người Âu, đã tự lập nên các đội bóng của riêng mình. Hai đội bóng đầu tiên của thuần người Việt ra đời trong năm 1907 là Gia Định Sport và Ngôi Sao Xanh. Về sau hợp nhất thành đội Ngôi Sao Gia Định. Điều đặc biệt là đội bóng này, ở giải đấu năm 1917, đã thắng tất cả các đội bóng (kể cả các đội của người Pháp) để giành chức vô địch.
Môn bóng đá dần dần phổ biến cho người Việt ở Sài Gòn và hầu hết Nam Kỳ lục tỉnh với sự kiện ra đời hàng loạt các đội bóng khác như: Victoria Sportive, Commerce Sport, Jean Comte, Sport Cholonaise, Khánh Hội Sport, Tân Định Sport, Gò Vấp, Hiệp Hòa, Phú Nhuận, Đồng Nai, Thủ Dầu Một, Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc, Gò Công, Châu Đốc, Mỹ Tho,… Sân bãi cũng được xây dựng thêm, như tại Sài Gòn, ngoài sân bóng đầu tiên ở Công viên thành phố (Jardin de la Ville), còn có sân Citadelle (Hoa Lư ngày nay), sân Renault (sân Thống Nhất), sân Fourières (ở Bà Chiểu), sân Mayer (góc Võ Thị Sáu-Trần Quốc Thảo), sân Marine (gần Trung tâm Mắt),…
Cho tới lúc ấy, ngoài “Tổng cuộc Bóng đá” của người Pháp, người Việt cũng thành lập một “Tổng cuộc Bóng đá An Nam” cho riêng mình và hai bên cùng hợp tác tổ chức Giải “Vô địch Nam Kỳ”. Năm 1932 giải này quy tụ 6 đội người Việt và 3 đội người Pháp tham gia. Giai đoạn từ 1925 đến 1935, và sau đó từ 1945 đến 1954, đội Ngôi sao Gia Định tiếp tục nổi tiếng và hầu như ngự trị nền bóng đá Nam bộ với thành tích 8 lần đăng quang ngôi vô địch.
Đặc biệt khoảng năm 1932, ở Cần Thơ xuất hiện đội Bóng đá Nữ đầu tiên mang tên Cái Vồn, vài năm sau lại có thêm đội Bà Trưng ở Rạch Giá – Long Xuyên. Đội nữ Cái Vồn vào năm sau đó (1933) đã lập nên kỳ tích cho bóng đá nữ Việt Nam khi thủ hòa 2-2 với đội nam Paul Bert tại sân Mayer.
Bóng đá Bắc và Trung Kỳ:
Trong khi ở Nam Kỳ, bóng đá đã xuất hiện sớm từ cuối thế kỷ 19, thì ở Bắc và Trung Kỳ mãi tới đầu thế kỷ 20, khoảng 1907-1908, tại Hải Phòng mới hình thành đội bóng lấy tên là Olympique Hải Phòng. Tại Hà Nội, năm 1912 Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội (Stade Hanoien) ra đời gồm cả cầu thủ người Việt lẫn Pháp. Ngoài ra còn có đội bóng của quân đội Pháp thuộc Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa (RIC), cùng các đội khác của người Việt như Lê Dương Đáp Cầu, Lê Dương Việt Trì…
Giai đoạn 1930-1940, tại Hà Nội còn có thêm các đội bóng như: Chớp Nhoáng (Éclair), Racing Club, Lạc Long, Ngọn Giáo (La Lance), Hỏa Xa (Usaga), Trường Bưởi, Đại Học (Université Club), Ngân Hàng, Ô-tô Han (Auto Hall). Tại Hải Phòng, ngoài đội Olympique còn có thêm các đội Voi Vàng Đất cảng, Mũi Tên (La Flèche), Radium (Trung Học), Thanh niên Bắc Kỳ (La Jeunesse Tonkinoise). Tại Nam Định có đội Hồng Bàng, Phủ Lý có đội Phủ Lý Thể thao, Lạng Sơn có đội Le Semeur.
Nói chung, trong thời kỳ từ 1910 đến 1940 các đội bóng ra đời và phát triển rộng khắp trên địa bàn miền Bắc nhưng về sân bãi thì vẫn hạn chế. Ngoài sân Hải Phòng, tại Hà Nội có sân Mangin (nay là sân Cột Cờ) do người Pháp quản lý, sau này có thêm sân Nhà Dầu do đội Chớp Nhoáng và Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội hợp tác xây dựng. Các giải đấu cũng được tổ chức nhưng phần nhiều còn mang tính “nội vùng” và tất nhiên là vẫn mang tính “phong trào”.
Riêng tại Trung Kỳ, thời kỳ này, nơi vẫn tồn tại triều đình nhà Nguyễn ở kinh thành Huế, môn thể thao bóng đá phát triển chậm hơn và ghi nhận chỉ có các đội bóng ở Vinh (đội ASNA), Huế (đội Sept), Đà Nẵng (Tourane) và Nha Trang (đội Cheminot).
Giai đoạn lịch sử bóng đá Việt Nam từ 1954 đến 1975
Thế chiến thứ hai (1939-1945) và chiến tranh Việt- Pháp (1946-1954) đã làm gián đoạn sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Cho đến năm 1954 với chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Genève ký kết chia đôi nước Việt thành hai miền Nam – Bắc, môn thể thao bóng đá ở cả hai miền mới được phục hồi và phát triển trở lại.
Bóng đá Miền Bắc:
Tại Miền Bắc, đội bóng Thể Công của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập từ năm 1954 đã nhiều năm liền đoạt chức vô địch. Từ năm 1956, đội tuyển quốc gia của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (trong đó nòng cốt là cầu thủ của đội Thể Công và Trường Huấn luyện quốc gia) đã có chuyến thi đấu quốc tế đầu tiên tại Trung Quốc với sự dẫn đắt của huấn luyện viên Trương Tấn Bửu. Sau đó, từ 1956 đến 1966, đội chủ yếu tham gia các giải ở các nước xã hội chủ nghĩa và tại các giải GANEFO (Indonesia, 1963) và GANEFO Châu Á (Campuchia, 1966).
Bóng đá Miền Nam:
Tại Miền Nam, từ 1956 đội tuyển quốc gia của Việt Nam Cộng hòa đã trở thành một trong 4 đội bóng mạnh của châu Á, khi lọt vào vòng chung kết giải Vô địch châu Á 1960 cùng với Nam Hàn, Ấn Độ và Trung Hoa. Từ năm 1960 đến 1966, đội tuyển này thường được xếp hạng từ thứ ba đến thứ nhất tại các giải đấu châu Á. Đội đã lần lượt đoạt huy chương vàng bộ môn bóng đá tại SEA Games 1959, và cúp vô địch Merdeka lần thứ 10 tại Malaysia năm 1966 với 12 đội của 12 nước tham dự (do huấn luyện viên người Đức Karl-Heinz Weigang dẫn dắt).Đặc biệt, đội tuyển cũng là đại diện đầu tiên của Việt Nam tại một giải đấu cấp thế giới, khi đã tham gia vòng loại World Cup 1974, và các kỳ Thế vận hội Mùa hè 1964 và 1968.
Cúp vô địch Merdeka 1966 (người nâng cao chiếc cúp là danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang)
Nói chung, mục tiêu của hoạt động bóng đá ở cả hai miền Nam Bắc giai đoạn này là giải trí, rèn luyện thân thể để duy trì và nâng cao sức khỏe cho mọi người dân. Đây chính là loại hình bóng đá phong trào, “nghiệp dư” khác với các hoạt động bóng đá “chuyên nghiệp” của các nước phương Tây cùng thời điểm.
Giai đoạn lịch sử bóng đá Việt Nam từ 1975 đến nay:
Thời kỳ hồi phục
Sau khi đất nước thống nhất, từ năm 1975, có lẽ vì phải tập trung vào các lĩnh vực cấp bách hơn, các hoạt động thể thao trong đó có bóng đá hầu như bị ngưng trệ. Mãi đến tháng 8/1989 một tổ chức của nhà nước ra đời để quản lý và điều hành bóng đá là “Liên đoàn Bóng đá Việt Nam”. Năm 1991, một đội tuyển quốc gia (thống nhất) mới được hình thành và bắt đầu tham gia vào đấu trường quốc tế. Giải đấu đầu tiên mà đội tuyển tham dự là SEA Games 16 (1991) tổ chức tại Manila, Philippines. Từ sau năm này, phong trào bóng đá bắt đầu khởi sắc trở lại, đội tuyển được tập trung thường xuyên hơn và lần lượt tham gia thi đấu các giải trong khu vực, châu lục và thế giới: các kỳ SEA Games (trong đó có bóng đá nữ), cúp vô địch Đông Nam Á (từ Tiger Cup năm 1996) và vòng loại World Cup (từ năm 1994).
Các câu lạc bộ bóng đá cũng đã chính thức góp mặt mang tên các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và các địa phương như: CLB Quân đội, Công an TP.HCM, Công an Hà Nội, Hải quan, Cảng Sài Gòn, Sông Lam Nghệ An, Đồng Tháp, Lâm Đồng, An Giang, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nam Định,…đã sản sinh cho làng bóng đá Việt Nam các thế hệ cầu thủ mới mà đỉnh cao là lứa cầu thủ tài năng từ 1995 đến 1999. Giai đoạn này đánh dấu sự trở lại của bóng đá Việt Nam như một thế lực mạnh tại khu vực Đông Nam Á với những thành tích đáng kể: huy chương bạc SEA Games 18 (1995), huy chương đồng Tiger Cup 1996 và sau này là vô địch cúp Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) vào năm 2008.
Thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam (1995-1999):
Thời kỳ phát triển:
Bước sang thế kỷ 21, bóng đá Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, và trong một mức độ nhất định, đã dần dần tiến lên thời kỳ “bán chuyên nghiệp” rồi “chuyên nghiệp hóa”. Tổ chức Liên Đoàn BĐ quốc gia vốn trước đây hoàn toàn do nhà nước quản lý và điều hành, cũng từng bước chuyển sang “xã hội hóa” để tranh thủ sự cống hiến cho bóng đá từ các doanh nghiệp – đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Các câu lạc bộ (mà chủ yếu là của các doanh nghiệp) cũng chủ động xây dựng cho mình các kế hoạch phát triển bóng đá dài hạn cho CLB mình. Điển hình như CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai với kế hoạch đào tạo tài năng trẻ từ lứa tuổi thiếu niên với “Học viện Bóng đá HAGL” đang bắt đầu “cho ra lò” lứa cầu thủ chuyên nghiệp đầu tiên trong năm 2013-2014.
Hiện nay, Liên Đoàn bóng đá Việt Nam đang chịu trách nhiệm quản lý một hệ thống 11 đội tuyển quốc gia, bao gồm: ĐT quốc gia, ĐT U-23, ĐT U-21, ĐT U-19, ĐT U-17, ĐT Nữ, ĐT U-20 nữ, ĐT U-17 nữ, ĐT Futsal nam, ĐT Futsal nữ và ĐT bóng đá bãi biển. Đồng thời có nhiệm vụ điều hành một mạng lưới các giải đấu trong nước, bao gồm: giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League), giải hạng nhất quốc gia, giải vô địch hạng nhì, hạng ba; cúp bóng đá Việt Nam, siêu cúp bóng đá Việt Nam; các giải vô địch U-21, U-19, U-17, U-15; giải vô địch bóng đá thiếu niên, nhi đồng Việt Nam; giải vô địch bóng đá nữ, U-19 nữ, U-17 nữ Việt Nam; giải vô địch Futsal Việt Nam và giải vô địch bóng đá bãi biển.