Vịnh Hạ Long một trong những danh lam thắng cảnh, điểm du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới với vẻ đẹp hùng vĩ tráng lệ của mình. Vậy Vịnh Hạ Long có lịch sử phát triển như thế nào, con người biết đến Vịnh từ khi nào ? Chúng ta cùng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên nhé !
Lịch sử phát triển Vịnh Hạ Long
Năm 1967, giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc đang ác liệt, các nhà khảo cổ Việt Nam vẫn thực hiện công việc đi tìm lại lịch sử của mình. Một cuộc khai quật hang Soi Nhụ đã được tiến hành. Đây là cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên của các nhà khảo cổ học Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong cuộc khai quật này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 400 đốt xương sống cá và vô số các vỏ ốc các loại như ốc lợn, ốc đĩa, ốc tai, vỏ hà, vỏ vạng, vỏ sò… được cho là những tàn tích thức ăn của người cổ Hạ Long để lại từ khoảng hơn 7.000 năm trước. Cư dân cổ ở Soi Nhụ đã sống dựa vào biển nhưng sự thiếu vắng dụng cụ đan lưới như dọi xe chỉ, chì lưới khiến các nhà khoa học nhận định họ mới chỉ khai thác biển chủ yếu bằng thu lượm. Tại một di chỉ Văn hoá Hạ Long khác cũng thuộc Vân Đồn là Đông Trong, ngoài vỏ nhuyễn thể, các nhà khảo cổ đã tìm thấy khá nhiều các mảnh vỏ nhuyễn thể được mài hình tròn, ở giữa có lỗ xỏ dây. Đây là vỏ các loài trai, điệp được người cổ Hạ Long sau khi ăn đã chế thành đồ trang sức.
Lịch sử phát triển Vịnh Hạ Long
Lịch sử phát triển Vịnh Hạ Long
Thời kỳ đồ đồng ra đời (khoảng hơn 3.000 năm trước) đã mang đến cuộc cách mạng thực sự không chỉ với cư dân nhiều vùng trên thế giới mà còn tác động đến cuộc sống của cư dân cổ Hạ Long. Tại cuộc khai quật di chỉ khảo cổ Đầu Rằm (xã Hoàng Tân, Quảng Yên) năm 1998, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều lưỡi câu bằng đồng với các kích cỡ khác nhau; các dọi xe chỉ, chì lưới bằng đất nung cùng rất nhiều xương cá, xương rùa, vỏ các loài nhuyễn thể. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn tồn tại của mình (khoảng 3.300-2.000 năm trước), người Đầu Rằm đã sống chủ yếu là khai thác biển. Họ đã biết xe sợi đan lưới đánh bắt cá, rèn đúc lưỡi câu để câu nhiều loài cá và như thế họ đã sử dụng đến bè, mảng để giăng lưới. Ngoài ra, họ còn sử dụng các đoạn xương ống của thú chế ra các lao ngạnh để săn bắt cá. Với những viên “chì lưới” hình quả nhót, dài khoảng 4cm (có lỗ xỏ dây) có thể thấy lưới đánh cá có kích cỡ vừa phải và tuy đánh bắt hải sản là chủ yếu nhưng cư dân cổ Đầu Rằm cũng chỉ có thể đánh bắt ven bờ mà thôi. Hơn nữa, nguồn lợi biển dồi dào, họ cũng chỉ cần kiếm ăn ven bờ mà không cần đi xa. Trong tàn tích thức ăn còn có rất nhiều xương rùa - minh chứng Vịnh Hạ Long ngày ấy hải sản phong phú, đa dạng như thế nào. Sở dĩ các di vật trên qua hàng ngàn năm vẫn còn nguyên vẹn là bởi chúng nằm trên võng yên ngựa của núi Đầu Rằm. Quá trình hoà tan của đá vôi đã khiến cho các di vật này như được “tẩm ướp” axit cacbone nên chúng cứng lại.
Như vậy, có thể thấy, từ sơ khai lượm nhặt như người cổ Văn hoá Hạ Long đến biết giăng câu, đánh lưới như người cổ Đầu Rằm, ông cha ta đã phải trải qua một quá trình phát triển hàng ngàn năm. Thật thú vị, cho đến hôm nay, dù đã dùng đến nhiều phương tiện đánh bắt hải sản hiện đại, những con tàu hàng trăm, hàng ngàn mã lực nhưng những cách đánh bắt có phần thô sơ ấy của tiền nhân đã và vẫn được ngư dân Hạ Long sử dụng, đó là dùng đèn dụ cá, gõ mạn thuyền đuổi cá vào lưới và giăng câu… Đã hàng ngàn năm qua, các thế hệ của người Hạ Long đã sống dựa vào biển theo một cách của tiền nhân như thế.